Phần này sẽ đề cập đến một số nguyên tắc căn bản trong việc lựa chọn, trồng và chăm sóc cần thiết phải có đối với cây. Cây cảnh quan là thành tố không thể thiếu trong việc xây dựng sân vườn và nó cũng có những quy tắc cần tuân theo. Dưới đây là những tổng hợp của JP Park Group trong suốt quá trình xây dựng cảnh quan ngoài trời để bạn đọc có thể tham khảo.

1. Chọn và trồng loại cây cảnh quan thích hợp

Đối với vườn Nhật thì thiết kế cây trồng có ý nghĩa bao gồm cả việc khống chế kích thước và hình dáng của từng cây trong vườn. Phẩm chất của từng vườn tùy thuộc vào sự cố định cây trồng trong một hình dáng nhất định. Khu vườn càng nhỏ thì yêu cầu trên càng chặt chẽ hơn nhiều.

Loại cây cảnh quan thích hợp nhất trong vườn Nhật là những cây có càn nhánh mềm mại. Chúng được sắp xếp cùng mô thức sắp xếp đá. Cành nhánh của chúng xen kẽ lộn xộn, ngẫu nhiên trông có vẻ tự nhiên cho nên rất thích hợp.

Thông thường số cây trong một nhóm thường là 3, trông tự nhiên hơn là 2 và 4. Bố trí theo 1 tam giác lệch trông có vẻ là ít sắp đặt hơn là một tam giác đều, tất nhiên lại càng ít có vẻ sắp đặt hơn so với 1 vòng tròn, một hàng thẳng hay một hình chữ nhật.

Quan sát những kiểu mọc tự nhiên trong thiên nhiên để áp dụng vào việc sắp xếp cây trong vườn của bạn.

1.1. Sử dụng cây cảnh quan để tạo ảo giác

Trong phần này, bạn phải đánh giá chúng rằng việc chọn lựa và sắp xếp cây trồng cảnh quan có thể làm được tất cả mọi cách để hướng cái nhìn của người xem đến một tiêu điểm trên bất cứ một khu vực nào của khu vườn, đến những chi tiết hoặc là lướt qua chúng.

Nghệ thuật thiết kế vườn Nhật dựa rất nhiều vào ảo ảnh thị giác và bố trí cây trồng là một phương cách để tạo hay tăng thêm những hiệu quả như thế.

1.2. Cây cảnh quan làm h​​​​ậu cảnh

Trong một sân vườn và trong một số kiểu vườn Nhật, hậu cảnh có thể đánh lừa con mắt theo một cách khác. Trước hết nó tạo ảo giác khu vườn rộng hơn phạm vi giới hạn, đằng sau góc nhà vẫn còn một phần sân bị che khuất. (Một bụi tre cao vươn lên khỏi bờ tường, che khuất góc nhà và những ngọn lá lung lay, thân tre đong đưa nhè nhẹ, sẽ tạo nên ảo giác này).

1.3. Chiều sâu

Để xử lý tiền, trung, hậu cảnh cho một cảnh vật, người thiết kế vườn dùng cây cối để làm cho một khu vườn rút ngắn hoặc kéo dài chiều sâu của nó. Những cây lớn bố trí ở tiền cảnh và nhưng cây nhỏ hơn ở hậu cảnh có thể thu ngắn lại phối cảnh và làm cho chúng có vẻ sâu hơn so với thực tế.

Ở trung cảnh, nếu là một khu đất bằng phẳng chỉ có đất và rêu thì nên bố trí một cái gì đó để đập vào mắt và hướng dẫn tầm nhìn đi xa hơn đến hậu cảnh (chứ không tập trung điểm nhìn ngay tại đó). Những tảng đá cạnh trơn chen chúc với những bụi cây sẽ phá vỡ được nét bằng phẳng đơn điệu của trung cảnh, đồng thời cũng tách biệt được sự nôi kết của chúng.

Kết cấu của đá cũng như cách sắp xếp chúng cũng tạo nên, làm tăng ảo giác về khoảng cách. Đá có kết cấu thô bố trí ở tiền cảnh, đá có kết cấu thanh mảnh bố trí ở hậu cảnh có tác dụng kéo dài khoảng cách. Những cây có lá xanh sẫm ở tiền cảnh và những cây có lá nhạt, dịu hơn ở hậu cảnh cũng tạo được cùng một hiệu quả nhờ ở hậu cảnh trông có vẻ mờ mờ, xa xa

2. Những chi tiết cần quan tâm khi chọn cây

  • Tên, chủng loại, điều kiện sống đòi hỏi.
  • Loại cây thay lá hay cây thường xanh: Cây thường xanh cần thiết để duy trì màu sắc phối hợp cơ bản của khu vườn và giữ cho khu vườn được màu xanh quanh năm. Trong khi đó cây thay lá tạo được sự thay đổi, khiến cho khu vườn không đơn điệu, đồng thời tạo cho khu vườn những nét đẹp sinh động theo từng mùa.
  • Chiều cao: Chiều cao cây trong vườn là chiều cao sau khi cắt tỉa.
  • Cây dùng để làm dáng, trang điểm: Cần lựa chọn cây thích hợp và tiết chế ở mức độ tối thiểu. Chú ý những cây thay lá theo mùa (màu sắc mỗi mùa, cách thay lá), màu sắc của cây thường xanh, đặc trưng biểu cảm của cành nhánh.

3. Phân loại một số kiểu cây cảnh quan tiêu biểu

3.1. Cây lùm và bụi lớn

Cây cảnh quan lớn dùng để làm hậu cảnh, nền hay hàng rào chắn. Nhiều cây và bụi có thể dùng rất hiệu quả ở cả tiền cảnh lẫn hậu cảnh tùy theo ý đồ của bạn. Thông thường, cây có hoa màu sáng, thay lá hàng loạt được bố trí xa tầm nhìn (ngoại trừ cây anh đào, vì đây là cây truyền thống cũng như cây mai, đào của ta, được yêu thích đặc biệt). Những cây lá xanh rậm lá hay cây thay lá phụ họa với cây thường xanh thường hay được trồng ở hậu cảnh.

3.2. Cây và lùm bụi trung bình

Hầu hết những cây  lùm bụi thay lá thường được dùng chủ yếu để phô bày màu sắc. Ngay cả một số cây thường xanh như hoa trà có hoa theo mùa rất đẹp, cũng được trồng nhiều ở hậu cảnh vì chúng có kết cấu linh động và hình dáng lá đặc trưng. Những cây thường xanh cảnh quan  có kết cấu dày đặc, thành nhã có thể được dùng để bố trí nương theo, làm dịu bớt hình dáng của những tảng đá. Chúng cũng có thể được trồng thành nhóm và cắt tỉa thành những mô thấp giả cách những ngọn đồi, nhỏ hay những ngọn núi ở trung hay hậu cảnh.

3.3. Cây bụi nhỏ hoặc thu nhỏ

Cây bụi nhỏ thường được trồng nương theo hình dáng của đá hoặc được trồng thành đám để tạo thành một hậu cảnh thấp (đặc biệt có hiệu quả khi tầm nhìn ở trên cao), để tập trung tầm nhìn vào những tảng đá hay thạch đăng lung. Hầu hết chúng tăng trưởng chậm.

3.4. Cây ưa nước (trồng trên bờ hay trong nước)

Không có gì cạnh một hồ khô hoặc một suối khô tạo một cảm giác có nước đầy tính thuyết phục bằng một cây cảnh quan ưa nước trồng bên bờ. Trong hoặc chung quanh hồ, suối nước thực, cũng không có gì có thể duyên dáng, tự nhiên hơn chúng. Chúng cũng xóa mờ đi đường nét sắc cạnh tiếp giáp giữa nước và bờ tạo thành một liên kết mềm mại.

Cây cảnh quan ưa nước trồng thành bụi hay từng mảng trông sẽ rất tự nhiên, đẹp. Dáng thẳng đứng của chúng tạo một tương phản rất thích thú với mặt thoáng của nước hoặc mặt thoáng giả định là có nước, và hình ảnh phản chiếu của chúng cũng tạo những hiệu quả nổi bật.

3.5. Cây lưu niên

Góp phần tạo nên những nét chấm phá trong vườn Nhật là những cây  cảnh quan lưu niên nở hoa theo mùa, có một số lại biểu thị đặc trưng của mùa (hoa cúc gợi lên nỗi buồn bã của mùa thu)

Hầu hết chúng chỉ nở trong một thời gian ngắn, thậm chí còn ngắn hơn quãng thời gian ngắn ngủi “sớm nở tối tàn” (hoa quỳnh là một bằng chứng cụ thể).

Chúng thường được trồng thành đám trên một khoảng đất rộng chiếm một vùng tương đối lớn.

Hoa mẫu đơn rất được ưa chuộng cho cây cảnh quan lưu niên trong vườn Nhật.

3.6. Cây leo

Chúng thường được trồng theo hàng rào hoặc bám vào tường. Hoa của chúng (nếu có) rất được ưa chuộng. Chúng có tác dụng làm mềm mại những góc cạnh và nếu chúng là loại cây thường xanh thì tạo được hậu cảnh thường xuyên cho những cây khác.

3.7. Cây dương xỉ loại cây cảnh quan không thể thiếu trong vườn Nhật

Dương xỉ là một thành phần không thể thiếu trong một vườn Nhật. Dương xỉ thuộc bất cứ loại nào cũng gợi lên vẻ hoang sơ nguyên thủy của rừng núi thì phì nhiêu. Khi được trồng dưới hay trên một tảng đá đầy rêu, cạnh bờ nước, đứng một mình hay cùng với cây bụi, cây lưu niên…chúng cũng đều góp phần làm tăng nét đặc trưng của vườn Nhật rất nhiều.

3.8. Tre, trúc – một đặc trưng

Cũng như dương xỉ, tre là một thành phần không thể thiếu trong vườn Nhật. Tre tạo nên vẻ duyên dáng uyển chuyển cho bất cứ những gì kết hợp với chúng. Chúng góp phần tạo những nét thẳng đứng cho khu vườn và vẻ mềm mại của chúng làm cho chúng lúc nào cũng lay động cho dù ngay cả ở trong một sân vườn thiếu gió. Chúng hắt bóng lung linh trên mặt đất, lên tường.

Những cây nhỏ có thể được cắt tỉa thành những hàng rào đan chặt, thành những gò đồi hay giả cách những tảng đá, hoặc có thể um tùm tự nhiên.

Hầu hết tre có thể được trồng rất đẹp trong chậu. Tre bụi nhảy cây con rất nhiều nhưng phát triển chậm; tre được chăm sóc sẽ phát triển rất nhanh và bạn phải lưu tâm đến việc ngăn chặn rễ lan rộng bằng những tấm chắn (chôn xuống đất) cao khoảng 5-6 tấc có chu vi tương tự, bao quanh cây.

3.9. Cây trồng phủ đất: rêu Nhật, cỏ Nhật

Với một khu vườn tương đối thì nhiều cây bụi cũng có thể phủ đất được. Ngoài ra có thể dùng rêu có kết cấu mịn để thay thế.

Một trong những cây truyền thống dùng để phủ đất là cỏ, chúng ta cũng đừng ngại ngùng việc dùng cỏ để phủ đất. Hầu hết chúng đều là cây thường xanh.

Đa số những cây cảnh quan trồng phủ đất đều đòi hỏi phải thường xuyên chăm sóc, quét dọn – đặc biệt là với những cây nhỏ, những cây có kết cấu thành mảnh – để chúng có thể được đón nhận ánh nắng và không khí đầy đủ.

 

 

 

 

 

 


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan